English Tips Learning

Tự luyện IELTS 6.5 trong 4 tháng

Sẵn hôm nay (3/11/2019) có người bạn hỏi mình về kinh nghiệm tự luyện #IELTS nên mình chia sẻ lại bài mình viết cách đây 2 năm nhé. Mình đã thi IELTS lần đầu tiên (và có thể là duy nhất :D) vào tháng 12/2017. Mình tự luyện ở nhà, không hề đi học bất kỳ trung tâm nào và cũng không đi học bất cứ thầy cô nào hết á. Nếu bạn cần tham khảo kinh nghiệm học IELTS hoặc muốn đọc giải trí cho khuây thì mời bạn DOWNLOAD hoặc đọc trực tiếp trên web nhé.  😆😃😁 NỘI DUNG TRÊN WEB CÓ THỂ NHIỀU CHỖ BỊ MẤT FORMAT XÍU NHÉ!

PASSWORD mở file word: kanady

https://youtu.be/n4GL1ZcrMFo
TỰ LUYỆN IELTS TRONG 4 THÁNG – Kanady VN

TÀI LIỆU

Chắc chắn điều đầu tiên bạn quan tâm là tài liệu mà mình đã sử dụng để ôn phải không? Về tài liệu để chuẩn bị cho kỳ thi, mình đã chuẩn bị 3 thứ:

(1) Giáo trình tiếng Anh tổng quát (không liên quan đến IELTS)

  • Bộ Global 6 cuốn (Beginner – Advanced): tất nhiên là không thể học hết trong 4 tháng. Mình in ra để sử dụng lâu dài và đọc thêm để giải trí cũng như trau dồi từ vựng và để đi dạy, vì nó có một số game cũng thú vị và cách trình bày của sách cũng như nội dung về văn hóa và nhiều thứ rất hấp dẫn.
  • Bộ Reading Challenge 1-3: Với những bạn đang dạy LTĐH chắc không xa lạ với bộ này đâu heng (đề thi THPT QG 2017 có sử dụng bài đọc trong bộ này đó)

(2) Giáo trình để luyện từ vựng và các kỹ năng IELTS

Về từ vựng, mình chỉ sử dụng 2 cuốn thôi:

  • 1000 English Collocations in 10 Minutes a Day (espressoenglish.net): cuốn này không phải là sách xuất bản hẳn hoi, mà chỉ là một tài liệu tự biên soạn. Vì vậy, cách trình bày không thu hút mấy. Tuy nhiên, mình thấy nó có nhiều cái mới và cũng dễ tiếp thu nếu chịu khó đọc (Mấy năm trước mình có học thử cuốn Collocations in Use của Cambridge, nhưng học thấy khó nhớ nên thôi). Cách nó giới thiệu collocations là đưa ra một bài giải thích về collocations đó, rồi in đậm nó lên, sau đó nó sẽ đọc toàn bộ bài giải thích đó, rồi cuối bài sẽ đọc nhắc lại các collocations; sau mỗi bài có bài tập trắc nghiệm hoặc tự luận để củng cố collocations đã học.
  • Vocabulary for IELTS (Cambridge): sách đã cũ, nhưng cũng có rất nhiều từ vựng, bài tập đọc hiểu và nghe, hoàn toàn bám sát IELTS đúng như tựa đề của nó.

Về kỹ năng thì khoảng mười mấy cuốn, nhưng mình chỉ in ra một số, còn lại mình đọc trong máy. Sau đây là các tài liệu chính:

  • The Complete Guide To IELTS band 5.5-7+ (NGL Cengage Learning – 2016)
  • Bộ GET IELTS BAND 9 (TASK 1 WITING và ACADEMIC TASK 2 WRITING) của
    Cambridge IELTS Consultants
  • IELTS Writing – Recent Actual Tests (có chú giải tiếng Việt)
  • Barron’s Writing for the IELTS: mình chủ yếu học Task 1 và đọc bài mẫu Task 2
  • GET IELTS BAND 9 SPEAKING của Cambridge IELTS Consultants
  • IELTS SPEAKING – Recent Actual Tests & Suggested Answers (có chú giải tiếng Việt)
  • 15 Days’ Practice for IELTS Speaking
  • IELTS Superior Speaking: sách này tiếng Anh và tiếng TQ
  • IELTS Maximiser SPEAKING: cuốn này hơi cổ xíu

(3) Bộ sách để luyện đề

  • Bộ Cambridge IELTS 10-12: vì không có nhiều thời gian nên mình chỉ làm 3 cuốn này thôi
  • Barron’s IELTS Practice Exams: sách này mình chỉ kịp coi bài mẫu speaking cho mỗi test
  • Exam Essentials IELTS Practice Tests 2
  • MGH Education IELTS 6 Practice Tests: chỉ kịp coi một số bài mẫu Speaking thôi

ÔN LUYỆN

  • Một tháng đầu mình dành thời gian làm cuốn Cambridge 12, vì đây là cuốn mới nhất tới thời điểm hiện tại. Mục đích làm cuốn này để kiểm tra coi mình yếu ở kỹ năng nào nhất cũng như để coi trình độ mình hiện tại đang ở đâu để đặt mục tiêu cho phù hợp.
  • Thời gian một tháng đầu này rất dễ bị ám ảnh, và trong đầu mình lúc nào cũng xuất hiện từ IELTS, kể cả khi ăn ngủ. Có lẽ do mình đã đặt nặng vào kết quả, và cố gắng quá sức. Sau đó, một người bạn của mình đã khuyên không nên như vậy, kết quả sao không quan trọng, cứ cố gắng hết sức và học vừa phải. Và mình đã áp dụng lời khuyên này, và đã cảm thấy nhẹ nhàng hơn từ tháng thứ hai trở đi.

LUYỆN PHÁT ÂM

  • Giáo trình: Không một giáo trình duy nhất nào có thể giúp bạn học tất cả mọi thứ. Có thể học bộ Pronunciation Workshop và coi các bài dạy phát âm trên YouTube, đặc biệt của ông Coach Shane (giọng Mỹ), hoặc các bài giảng của engvid (chủ yếu giọng Canada).
  • Từ điển: tất nhiên không thể thiếu từ điển Anh – Anh. Mình chủ yếu dùng OALD9 (Oxford)LDOCE5 (Longman). Mình cài hai từ điển này cả trên máy tính lẫn trên điện thoại. Mục đích của việc tra từ điển không chỉ coi cách phiên âm, nghe phát âm, mà còn để coi cách giải thích tiếng Anh, đọc ví dụ, học Collocations… Sau khi tra từ điển, mình thỉnh thoảng vô youglish.com để tra và xem video có sử dụng từ đó. Nhiều khi chỉ một từ đơn giản, nhưng nó sẽ ra nhiều bài nói rất thú vị. Không tin bạn cứ thử đi nha, hì.
  • Giọng Anh hay giọng Mỹ? Câu trả lời là cả hai vẫn chưa đủ, mà bạn cần làm quen với càng nhiều giọng càng tốt. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất theo mình vẫn là bạn cần học một cách bài bản và cố gắng luyện tập theo giọng mà mình cảm thấy thoải mái nhất – Anh, Mỹ, Úc, Canada, New Zealand, Ireland hay South Africa gì cũng được, miễn là bạn phát âm người ta hiểu được bạn đang nói từ gì 😀

LUYỆN TỪ VỰNG

Từ vựng được tích lũy qua quá trình bạn học tiếng Anh, đặc biệt là đọc và viết nhiều thì bạn sẽ ghi nhớ chúng.

  • Về từ vựng cho IELTS, lúc đầu mình học thử cuốn Barron’s Essential Words for IELTS nhưng sau đó thấy hơi chán nên bỏ, rồi thử cuốn Band 9 Vocab Secrets cho nó máu, nhưng rồi lại thấy khó nhớ quá (chắc tại não mình ngắn), nên về sau chỉ học Vocabulary for IELTS (Cambridge) và làm được nửa cuốn, tới gần ngày thi mình không làm nữa… Ngoài ra, lúc rảnh mình có đọc và làm thêm cuốn 1000 English Collocations in 10 Minutes a Day.
  • Từ điển: tất nhiên không thể thiếu từ điển Anh – Anh. Mình chủ yếu dùng OALD9 (Oxford) và LDOCE5 (Longman) như đã nói ở trên.

LUYỆN KỸ NĂNG

NGHE

Mỗi người có cách luyện nghe khác nhau. Bản thân mình thì hay nghe radio (qua app trên điện thoại) hoặc nghe CD trong các giáo trình. Nói chung cứ nghe càng nhiều càng tốt, kỹ năng nghe sẽ tự động tăng lên. Ngoài ra, để bám sát vô nghe của IELTS, thì mình hay nghe trong các cuốn giáo trình và Practice Tests là chủ yếu. Trong bộ sách của Barron’s có một số nguồn nghe cũng thú vị, bạn có thể xem chi tiết ở mấy trang đầu của cuốn Barron’s IELTS Practice Exams á (hoặc mấy cuốn IELTS khác của Barron’s cũng có.)

ĐỌC

Đây là kỹ năng mình yếu nhất, nên có lẽ không nên chia sẻ gì nhiều. Bài đọc IELTS với mình rất dài và khó (dù đa phần nội dung của nó khá hấp dẫn), nên để được điểm đọc cao thì quan trọng vẫn là khả năng tập trung của mỗi người, vốn từ tích lũy theo thời gian, khả năng đọc nhanh và quan trọng hơn cả theo mình là tư duy logic để trả lời câu hỏi, bởi vì đa phần các câu hỏi trong IELTS là câu hỏi dạng suy luận, nên bạn cần hiểu nội dung càng cặn kẽ càng tốt. Vì mình yếu tư duy logic (não ngắn mà, haha) nên làm Reading thường chỉ được 5 tới 7, nhưng đa phần là 5.5 với 6.0, haizzzz…

Để đỡ chán và nản với bài đọc IELTS, mình đọc thêm bộ Reading Challenge 1-3 (tiếng Anh tổng quát). Tất nhiên là mình chưa làm hết, mỗi cuốn khoảng phân nửa hoặc 1/3 thôi hà.

VIẾT

Mình đọc một số bài mẫu, không nhiều lắm đâu, chỉ khoảng 30 bài đổ lại. Cứ rảnh là đọc, gạch chân cụm từ hay (cụm từ nào khó quá thì mình không thèm nhớ chi hại não lắm, hihi). Và thực sự đến một tuần cuối cùng trước ngày thi mình mới cầm viết lên viết thử các đề trong bộ Cambridge IELTS 10-12, để đếm và canh số lượng từ cho quen, và tất nhiên là mình viết bằng viết chì nha (mặc dù đi thi họ vẫn cho phép bạn viết bằng viết bi, nhưng mình thấy không nên, vì sai rất khó sửa). Sau đó, mình tổng hợp lại các dạng đề viết (theo bộ GET IELTS BAND 9), ghi lại các mẫu câu hay cụm từ hay để dùng cho cả 3 phần (Intro-Body-Concluding) tương ứng với các dạng đề. Bạn cần hiểu rõ các dạng đề này mà viết cho phù hợp để đạt được điểm phần Task Response/Achievement.

NÓI

Thu âm và luyện tập một mình: Mình thỉnh thoảng tự đọc lớn các bài đọc mình thấy thích để trau dồi phát âm, có thể thu âm lại nếu cần. Tự nói trước gương, hoặc tự lảm nhảm một mình khi rảnh, haha

Luyện nói với bạn bè trên mạng: Không nhất thiết phải nói với người bản xứ. Bạn cứ nói với bất cứ ai thích nói với mình, và cũng không nhất thiết phải cùng level. Nên nhớ, khi bạn nói với họ, bạn sẽ học được nhiều thứ, kể cả cái sai của họ, bạn sẽ rút kinh nghiệm ra cho mình. Ít nhiều gì, bạn cũng sẽ tăng được phản xạ sau khi nói với ai đó. May mắn là mình có biết một vài người bản xứ, nhưng họ rất bận và do chênh lệch múi giờ nữa nên rất ít khi có dịp nói chuyện. Trong 4 tháng ôn thi thì tổng cộng mình chỉ nói với họ được dưới 10 lần thôi. Họ đến từ UK, US, Canada, Australia và Ireland. Mỗi người bạn sẽ học được nhiều thứ. Có một điều khá thú vị trong một lần nói chuyện với người UK là ổng nói tiếng Anh của người Mỹ là “lazy English”, haha, và tiếng Anh là của UK, tự nhiên US lấy về rồi chỉnh sửa tùm lum, rồi đặt lại tên là “American English”, thật là “ridiculous!”, haha…

Về cách tìm bạn nói chuyện, bạn có thể search từ khóa IELTS Speaking partner, hoặc vô mấy trang như speaking24.com, free4talk.com, gospeaky.com, … để kiếm người nói chuyện. Ngoài ra, bạn vô YouTube, Facebook… chịu khó đọc cmt đi, sẽ có rất nhiều người để lại nick cho bạn liên lạc :D. Tất nhiên là tùy duyên nữa nha, rất khó để kiếm được người nói chuyện hợp với mình, vì đa phần họ thích hẹn hò hơn là học tiếng Anh đó, đặc biệt các bạn nữ hãy cẩn thận khi tìm bạn nói qua mạng!

ĐĂNG KÝ THI

Mình đăng ký thi ở British Council (BC) vào đúng 2 tháng trước ngày thi. Khi đến đăng ký, họ cho bạn điền form, sau đó họ hỏi bạn muốn thi Speaking cùng ngày hay khác ngày. Nếu chọn thi khác ngày thì có thể thi trước hoặc sau ngày thi viết (do họ quy định tùy vào ngày thi viết). Lệ phí lúc mình đăng ký là 4.750.000đ (Mình cứ chần chừ chần chừ, cái hồi nó chỉ mới 3.500.000đ thì mình không lo đi thi cho đỡ tốn, hic…).

Sau khi đóng tiền xong thì họ sẽ đưa bạn biên lai, kèm theo tờ giấy thông báo địa điểm thi cụ thể, thời gian bạn phải có mặt… Họ sẽ hỏi bạn còn thắc mắc gì không thì hỏi. Trên tờ giấy đó sẽ có cung cấp cho bạn tài khoản để bạn có 30 giờ học online (tự học với máy thôi, không có học với GV đâu), cùng với cái thẻ thư viện để cho phépbạn học tại thư viện của BC miễn phí. Nói chung cái này không quan trọng lắm. Mình thử học online nhưng thấy cũng chỉ là ba cái format với tips linh tinh thôi nên mình bỏ qua. Còn thư viện thì cũng không có gì, sách thôi à. Ai ở gần thì ghé học để tìm study partner cũng tốt, còn xa như
mình thì thôi, bỏ qua đi ha…

Trên tờ giấy đó có link cho bạn đăng ký dự buổi IELTS Briefing, tức là buổi hướng dẫn thi cho những ai mới thi lần đầu. Cái này không bắt buộc. Bạn thích thì vô link đăng ký họ tên và chọn ngày muốn dự (theo list). Mình đã đi dự buổi này, nó gồm 2 phần:

  • Phần Speaking và Writing sẽ được trình bày bởi IELTS expert người bản xứ;
  • Phần Listening và Reading sẽ do người VN hướng dẫn.

Buổi này chỉ là nói về format, một số tips và lỗi mà thí sinh hay gặp phải. Trong buổi đó bạn có thắc mắc gì về IELTS cứ hỏi thoải mái, sẽ được giải đáp tận tình, hehe…

NGÀY THI

THI VIẾT

Địa điểm mình thi viết ở Windsor Hotel (kế An Đông Plaza, chỗ giao ADV với SVH Q5 á). Bạn phải có mặt đúng giờ. Họ yêu cầu có mặt trước 8g10. Thời gian check-in trên giấy ghi kết thúc lúc 8g40 (thực tế khoảng 8g50). Đến đó bạn phải gửi đồ ở phòng gửi đồ (nếu có đồ), rồi tiến hành qua làm thủ tục check-in (lăn tay, dặn dò không được đem gì, kiểm tra áo khoác, chụp hình…). Bạn không được đem bất cứ gì vô phòng thi ngoài trừ CMND hoặc passport (bạn đã đăng ký thi bằng cái nào thì phải mang theo cái đó), nước uống đựng trong chai đã lột hết nhãn và áo khoác đã được họ kiểm tra. Thủ tục đó được thực hiện ở bên ngoài phòng thi. Khi bước vào phòng thi, bạn sẽ được nhắc nhở không được đem thiết bị gì và được scan một lần nữa.

Phòng thi rất lớn, giống như tiệc cưới vậy, nhưng họ bố trí bàn ghế như là phòng học thôi. Phòng mình thi bữa đó có khoảng 100 thí sinh (họ hốt gần 500 triệu, má ơi!). Chỗ đó có 2 phòng thi, mà phòng kia hình như nhỏ hơn. Mỗi bàn có hai thí sinh ngồi. Khi bạn vô chỗ ngồi thì trên bàn có sẵn 2 cây viết chì, 1 cục gôm, headphones không dây và tờ giấy ghi thời gian thi Speaking của bạn (nếu chưa thi Speaking). Sau đó thì bạn phải ngồi chờ. Nếu vô càng sớm thì thời gian bạn ngồi chờ càng lâu thôi hà :D. Trong khi ngồi chờ đến giờ thì, bạn có thể mở headphones và đeo vào để nghe (họ đã mở sẵn file thi Speaking của thí sinh nào đó để bạn nghe cho đỡ buồn, hihi).

Khoảng gần 9g, họ bắt đầu đọc nội quy thi bằng tiếng Anh (có chiếu lên màn hình), nào là các hình thức được xem là cheating (chỉ bài, chép bài người khác, xé bài, xé đề, vẫn cầm viết khi đã có thông báo hết giờ…), nào là giờ nào bạn được đi WC. Bạn chỉ được đi WC trước khi vào phòng thi và khi đã vào phòng thi thì phải chờ đến khi bắt đầu tính giờ làm bài Reading bạn mới được đi, hoặc chờ đến khi bắt đầu làm bài Writing bạn mới được đi. Lưu ý là trong 10 phút cuối của giờ làm bài Reading hoặc Writing, bạn không được phép đi đâu nhé. Tất nhiên là thời gian bạn đi vẫn là trong khoảng thời gian tính giờ làm bài thôi à. Ai đi thì phải chịu hy sinh thôi. Mình vẫn đi tự nhiên, chẳng tội gì phải nhịn! Mình đi vào khoảng 10 phút sau khi tính giờ làm bài Reading, vì nghĩ đó là thời gian lý tưởng nhất rồi. Có ngồi thêm vài phút thì điểm Reading của mình vẫn thấp thôi, tại ngu Reading mà, haha. Phòng thi của mình hôm đó rất ít người xin đi, vì xin đi ra thì bạn phải báo với giám thị đứng gần đó, rồi tới bàn ở trên, cầm CMND và tờ giấy báo thi Speaking nộp lên, chờ họ kiểm tra, kêu bạn lăn tay sau đó mới được đi ra. Trước khi vô thì bạn được scan toàn bộ người, rồi vô phòng, nộp lại giấy, lăn tay rồi họ trả lại CMND cho bạn. Hơi rắc rối!!!

Trước mỗi phần thi, bạn sẽ được hướng dẫn điền phiếu trả lời như thế nào. Họ hướng dẫn bằng tiếng Anh, sau đó một vài chỗ sẽ giải thích lại bằng tiếng Việt.

Tới giờ thì làm bài thôi, không có gì để nói. Thứ tự thi là Listening, Reading, Writing. Listening và Reading bạn làm trên cùng một tờ Answersheet: một mặt làm Listening, một mặt làm Reading. Tuy nhiên, bạn đừng có dại dột mà lật lại phần Listening để làm khi đang làm bài Reading nha. Nếu bị phát hiện thì bạn sẽ bị đình chỉ thi ngay lập tức đó! Giám thị mỗi dãy là 2, 3 người gì đó, họ cứ đi tới đi lui kiểm tra bạn thường xuyên à.

THI NÓI

Mình thi nói ở Anh Văn Hội Việt – Mỹ (VUS) 444 Nguyễn Chí Thanh. Lịch thi ghi lầu 9, nhưng lên đó họ kêu lên lầu 10. Tới đây thì bạn đưa CMND cho họ rồi chỉ ngồi chờ gọi tên thôi. Khi được gọi tên, bạn sẽ được lăn tay, rồi họ scan và kêu bạn ngồi trước phòng thi chờ. Trước mỗi phòng thi có sẵn một cái ghế. Có 4-5 phòng thi gì đó. Chờ khoảng 5-10’ gì đó, cho đến khi nào GK mở cửa kêu bạn vô thì mới vô.

Vô đó, GK chào bạn, lấy tờ giấy báo giờ Speaking mà bạn đang cầm trên tay, mời bạn ngồi, sau đó họ mở máy ghi âm, cúi xuống nhìn máy ghi âm và đọc đoạn giới thiệu bắt buộc, đọc tên họ GK, rồi đọc tên và số báo danh của bạn. Khi đọc đến tên của bạn thì họ sẽ nhìn lên mặt bạn để confirm. Sau khi đọc xong, họ bắt đầu bấm giờ, chào bạn một lần nữa rồi giới thiệu tên của họ, và yêu cầu bạn giới thiệu full name. Tiếp đó họ sẽ coi ID của bạn rồi trả lại và bắt đầu hỏi.

Khi đặt câu hỏi, GK sẽ nhìn vào booklet, rồi đọc cho đến khi gần hết câu hỏi họ mới ngước lên nhìn bạn. Sau đó họ nghe bạn trả lời, rồi nhìn xuống đọc câu tiếp. Trừ những câu hỏi một từ như Why? How? thì họ không cần đọc thôi…

Part 1: Bữa mình thi thì GK không hỏi job hay hometown khỉ gió gì hết, mà bay vô hỏi luôn nhà mình sao, ở nhà hay căn hộ. Rồi mở rộng ra, hỏi nhà tương lai của bạn sẽ như thế nào. Rồi hỏi tùm lum hết mình không nhớ rõ. Xoay quanh mấy chủ đề cũng quen thuộc như Accomodation, Advertising…, khoảng 7-8 câu gì đó. Có mấy câu như bạn thấy quảng cáo như thế nào?… GK cứ hỏi liên tục vậy, bạn không trả lời được thì kệ bạn, GK không nhắc nhở hay tỏ thái độ gì hết á.

Part 2: Describe a cake… Phần này mình cứ phang đại thôi, có vẻ chưa kịp được 1’ chuẩn bị thì GK đã bắt nói rồi. Nói xong là qua part 3 luôn chớ không hỏi thêm gì mấy thì phải. À, hình như hỏi là bạn có hay ăn bánh không, tại sao rồi mới qua part 3.

Part 3: Mình không nhớ lắm, mấy câu như: Tại sao người ta thích ăn mấy đồ lạ vào những ngày đặc biệt? Chính phủ có nên tăng thu thuế các công ty bán đồ ăn… Tùm lum hết.

KẾT QUẢ

Theo quy định thì 13 ngày sau ngày thi viết sẽ có kết quả. Nhưng ngày trả kết quả trúng vào dịp nghĩ lễ nên họ không trả kết quả cho mình mà cũng không thông báo trên website luôn. Tới ngày 14 vẫn không có, mình gọi lên tổng đài hỏi mới biết là sẽ trả kết quả vào ngày hôm sau.

Đến đó, nhận được tờ kết quả: Overall 6.5 (L 6.5, R 6.0, W 7.0, S 6.5). Hơi buồn vì Listening không cao như mong đợi nhưng bù lại Writing cao hơn mình nghĩ, chắc tại trúng đề dễ và GK dễ tính chấm (vì mình viết chưa xong task 1 – gồm 2 charts mà mới viết được 1 cái, cái kia mới được 1 câu; còn task 2 thì mình viết khá dài, cứ phang đại thôi), hihi.

LỜI KẾT

Trên đây là gần như toàn bộ những gì mình muốn chia sẻ (nhớ gì viết nấy thôi hà), cảm ơn bạn đã chịu khó dành thời gian để đọc. Chúc bạn ôn thi tốt và đạt kết quả cao nhất nhé!

P/S: Có thể bản thân mình sẽ còn gặp lại IELTS để chinh phục mục tiêu cao hơn (nghĩ mà thấy gian nan quá đi, kkk)

Mời DOWNLOAD và xem lại video bên dưới. THANKS!

https://youtu.be/n4GL1ZcrMFo
TỰ LUYỆN IELTS TRONG 4 THÁNG – Kanady VN